Chủ tịch CLB Hải Đăng Thái Trường Giang: Quần vợt Việt Nam nên dừng việc trả lương cho các VĐV

Được thành lập vào năm 2018, Hải Đăng Tây Ninh đã nhanh chóng trở thành ngọn cờ đầu của làng quần vợt Việt Nam. Linh hồn của CLB là ông Thái Trường Giang, chủ tịch HĐQT Công ty CP Hải Đăng. Là người đam mê quần vợt và dành nhiều tâm huyết cho công cuộc phát triển quần vợt nước nhà, ông Thái Trường Giang đang có rất nhiều trăn trở về hướng phát triển cho các tay vợt Việt Nam. Những trăn trở đó vừa được ông chia sẻ lại với Thethao.vn trong buổi trò chuyện mới đây.

 

PV: Năm 2018, CLB Hải Đăng Tây Ninh đã chính thức có tên trên bản đồ làng quần vợt Việt Nam. Điều gì đã thúc đẩy ông thành lập nên Hải Đăng? Tại sao câu lạc bộ chọn đóng đô ở Tây Ninh?

Chủ tịch Thái Trường Giang: Việc thành lập CLB Hải Đăng xuất phát từ niềm đam mê của tôi đối với Tennis. Trước đây, tôi từng chơi nhiều môn thể thao. Đến năm 40 tuổi, tôi bắt đầu chuyển qua chơi tennis. Vì đam mê nên tôi mới thành lập câu lạc bộ. 

Hải Đăng chọn đóng đô tại Tây Ninh vì đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Khi nhìn nhận tất cả các môn thể thao, tôi thấy tennis là môn tôi làm được và có thể sẽ đạt thành tích cao. Vì vậy, tôi chọn tennis và thành lập câu lạc bộ ngay trên mảnh đất quê hương. 

Chủ tịch CLB Hải Đăng Thái Trường Giang: Quần vợt Việt Nam nên dừng việc trả lương cho các VĐV - Ảnh 3

Giai đoạn đầu khi mới đi vào hoạt động, câu lạc bộ gặp khá nhiều khó khăn. Tây Ninh không phải là một tỉnh lớn và hơi xa các trung tâm như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội nên nguồn vận động viên cũng như huấn luyện viên không nhiều. 

Hiện tại, Hải Đăng Tây Ninh đang là câu lạc bộ số 1, cũng có thể coi là “mô hình kiểu mẫu” của quần vợt Việt Nam. Theo ông, những yếu tố nào đã đem lại thành công cho Hải Đăng?

Yếu tố thứ nhất là xã hội hóa hoàn toàn. Câu lạc bộ Hải Đăng Tây Ninh vận hành với toàn bộ chi phí từ công ty Hải Đăng. Do không phụ thuộc vào ngân sách nên CLB có sự chủ động và thoải mái trong cách điều hành công việc cũng như công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên. CLB cũng không đặt mục tiêu cao về thành tích quốc nội, không có áp lực về việc phải đạt huy chương. Từ đó, mình có thể lựa chọn để đi đúng hướng. 

Tuy nhiên, mục tiêu của các VĐV tennis vẫn là điểm ATP nên đây phải là định hướng của CLB. Hiện tại, các vận động viên của Hải Đăng đều đã có điểm trên bảng xếp hạng ATP. Thành công này là do CLB chủ động trong mọi việc, từ kế hoạch huấn luyện, thi đấu, không có sự can thiệp từ các cơ quan như sở thể thao, trung tâm huấn luyện. Hải Đăng được toàn quyền chủ động, có kế hoạch, hướng đi riêng của mình nên dễ thành công hơn.

Liệu ông có cảm thấy Hải Đăng Tây Ninh đang “đơn độc” trên hành trình phát triển quần vợt nước nhà hay không, bởi Việt Nam cần thêm nhiều câu lạc bộ như Hải Đăng để có thể tiến xa hơn?

Hiện tại, theo tôi được biết, tất cả các câu lạc bộ ở Việt Nam đều lệ thuộc vào ngân sách. Vì vậy, áp lực về thành tích ở giải quốc nội là rất lớn đối với cấp quản lý ở các câu lạc bộ đó. Vì mong muốn có thành tích nên trong quá trình huấn luyện cũng như thi đấu, mục tiêu của họ cũng chỉ quẩn quanh trong nước, chưa thể vượt ra ngoài thế giới. 

Dùng từ “đơn độc” cũng khá đúng, vì Hải Đăng không phụ thuộc vào ngân sách, khác với các câu lạc bộ khác. Xét về mặt thành tích ở cấp độ đỉnh cao, có lẽ Hải Đăng đang thực sự “đơn độc”. 

Tuy nhiên, tôi cũng luôn nỗ lực hỗ trợ, giúp đỡ các vận động viên ở các CLB khác, từ đó tạo nên sự đoàn kết, chung tay phấn đấu. Mục tiêu cuối cùng vẫn là thành tích chung của quần vợt Việt Nam. Vì vậy, dù đi trên con đường riêng nhưng Hải Đăng và các câu lạc bộ, liên đoàn, tổng cục vẫn có mối quan hệ thân tình. Chúng tôi có sự liên kết và luôn hỗ trợ nhau về nhiều mặt. 

Chủ tịch CLB Hải Đăng Thái Trường Giang: Quần vợt Việt Nam nên dừng việc trả lương cho các VĐV - Ảnh 2

Được biết, CLB Hải Đăng đang có dự định mở thêm cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Ông có thể chia sẻ về kế hoạch này của câu lạc bộ không?

Hiện tại, các thủ tục về pháp lý để thuê sân vận động cũng như các khu đất để làm trung tâm huấn luyện chưa hoàn thành. Vì vậy, kế hoạch sắp tới của CLB chưa thực sự rõ ràng. Nếu hoàn tất các thủ tục, tôi sẽ thực hiện ngay. Dự kiến, cơ sở tại TP.HCM sẽ có khoảng 7 đến 9 sân, với một sân Trung tâm.

Nếu có khả năng phát triển, Hải Đăng có thể sẽ tổ chức các giải ở cấp độ lớn hơn như Challenger 100 hay là ATP 250. Đây là mục tiêu mà chúng tôi đang hướng đến. 

Ông có kỳ vọng gì khi câu lạc bộ Hải Đăng mở thêm cơ sở mới ở TP. Hồ Chí Minh - nơi có vị trí đắc địa và có thể thu hút nhiều tay vợt hơn?

Trong những năm gần đây, môn quần vợt đã có sự phát triển trở lại về mặt phong trào. Tuy nhiên, nguồn lực để các tay vợt có thể chơi tennis từ nhỏ lại không nhiều. 

Tây Ninh là một tỉnh lẻ, con em được ở trong một môi trường tập trung. Các bạn đi học ở đó, nghỉ ở đó, tập ở đó nên phụ huynh không thể can thiệp nhiều. Còn ở TP. Hồ Chí Minh, các vận động viên cứ đến rồi lại về. 

TP. Hồ Chí Minh hiện cũng đang có CLB Hưng Thịnh. Nếu Hải Đăng mở thêm cơ sở ở đây thì vẫn phải cạnh tranh với họ. Trong khi đó, Hưng Thịnh có trả lương cho các VĐV, còn Hải Đăng thì không. Vậy nên, chưa chắc chúng tôi đã thu hút được các VĐV. 

Mục tiêu mà Hải Đăng hướng đến là các VĐV sẽ đạt được thành tựu gì vào năm 18 tuổi. Trong quần vợt có cột mốc 18 tuổi, và ở Hải Đăng, nếu không thành tài ở độ tuổi đó, vận động viên vẫn sẽ được học phổ thông cho đến khi tốt nghiệp. Nếu không có đủ khả năng để phát triển thì có thể theo con đường học tập, còn việc thi đấu tennis sẽ đảm bảo việc nuôi sống bản thân vận động viên trong quá trình học đại học. 

Đó là mục tiêu của tôi. Tuy nhiên, như tôi đã nói, Hải Đăng chưa hẳn đã thành công về nguồn vận động viên khi mở cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh. 

Ông vừa nhắc đến vấn đề “nhận lương” của các VĐV quần vợt Việt Nam. Dường như ông không đồng tình với phương án này, và đây chính là điểm khác biệt giữa Hải Đăng và các CLB quần vợt khác?

Có một nghịch lý đặc biệt ở Việt Nam: Các tay vợt tennis ở nước ta nằm trong số những vận động viên được hưởng lợi nhiều nhất trên thế giới. Họ có lương, và tôi cảm thấy nguồn ngân sách này đang cạnh tranh với các doanh nghiệp. 

Ở Hải Đăng, chúng tôi không trả lương. Tất cả các vận động viên từ nhỏ đến 18 tuổi đều không có lương. Họ chỉ được ăn, học, tập luyện và đi thi đấu nước ngoài. Riêng ở câu lạc bộ Hà Nội hay những nơi khác, vận động viên đều có lương, vì họ có ngân sách. 

Tôi không hiểu tiền lương này dùng để làm gì. Các tay vợt được nhận lương, nhưng lại hạn chế đi thi đấu, chỉ loanh quanh ở các giải trong nước. Thay vì bỏ ra chi phí đó, chúng ta nên xã hội hóa để định hướng cho các tay vợt ra nước ngoài thi đấu, để họ học hỏi nhiều hơn. Còn nếu chỉ quẩn quanh đi tìm huy chương ở các giải quốc gia và điểm xếp hạng quốc gia thì chẳng có giá trị gì hết!

Chủ tịch CLB Hải Đăng Thái Trường Giang: Quần vợt Việt Nam nên dừng việc trả lương cho các VĐV - Ảnh 6

Theo tôi, tiền lương là không cần thiết. Các tay vợt từ nhỏ cho tới 18 tuổi không cần nhận lương. Các bạn chỉ cần ăn, học, được đi thi đấu, được tập luyện. Nếu ai vượt qua giai đoạn này, người đó sẽ thành tài. Còn bây giờ, nếu cứ nhận lương 5, 6 triệu hay 10 triệu theo cấp độ mà các câu lạc bộ khác đang trả thì mỗi tháng, vận động viên chỉ đến tập rồi nhận lương và ra về. Mỗi năm, họ được đi thi đấu trong nước vài lần và không có khát vọng tiến xa. 

Lý Hoàng Nam đang có năm 2022 thực sự thành công khi gặt hái hàng loạt thành tích, có thể kể đến việc bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games, vô địch nhiều giải đấu, giành ngôi á quân Challenger ở Thái Lan và sắp sửa có mặt trong top 250 ATP. Ông đánh giá như thế nào về chặng đường vừa qua của Lý Hoàng Nam?

Tôi nghĩ, trời sinh ra Lý Hoàng Nam để gắn liền với tennis. Nam hơn hẳn mọi người về ý thức và khát vọng. Vì vậy, thành công của Nam ngày hôm nay là lẽ đương nhiên. 

Bên cạnh đó, từ khi còn nhỏ, Nam đã chịu áp lực lớn khi phải tập luyện hàng tuần, lớn thêm một chút nữa thì đi thi đấu liên tục. Nam đã quen dần với cường độ đó. Khi tập với đồng đội, trong khi anh em mong hết giờ để nghỉ, Nam vẫn ở lại tập tiếp. Vì vậy, thành quả hôm nay của Nam là hoàn toàn xứng đáng. 

Nói thêm một chút là khi còn ở Becamex Bình Dương, Nam chưa có nhiều khát vọng. Nguyên nhân một phần cũng do phương pháp quản lý của CLB. Họ không có kế hoạch cụ thể, không hẳn là xã hội hóa, cũng không hẳn là nhà nước. Không ai đưa ra định hướng rõ ràng cho Nam rằng năm 17 tuổi cậu ấy cần làm gì, năm 18 tuổi cần làm gì...

Khi Nam còn ở Bình Dương, tôi vẫn ủng hộ 50% kinh phí để cậu ấy có thể đi xa hơn. Tuy nhiên sau đó, Becamex Bình Dương cảm thấy Nam, Nguyễn Văn Phương và Trịnh Linh Giang không còn khả năng đi xa, nên họ bắt đầu làm lại cho lớp trẻ. Lúc đó, tôi đã mời 3 bạn về khoác áo Hải Đăng. Hiện tại, Giang đã dừng lại, còn Phương không có cá tính để vượt qua chính mình. Chỉ còn lại Nam. 

Tôi và Nam cũng thường xuyên trao đổi với nhau về kế hoạch phát triển. Khi dịch bệnh căng thẳng, Nam đã văng ra khỏi top 1000 ATP. Lúc đấy, nhiều người khác có thể sẽ từ bỏ, nhưng Nam vẫn quyết tâm. Kế hoạch của chúng tôi là phải làm từ từ, từng bước, tức là Nam phải đánh từng giải nhỏ để tích lũy điểm dần. 

Ban đầu, mục tiêu tôi đặt ra cho Nam là lọt top 500 vào khoảng 30/4 năm sau, chứ không phải năm nay. Tôi không đưa ra mục tiêu quá cao. Tuy nhiên, Nam bây giờ đã thành công gấp đôi, gấp ba lần như thế. Nếu tôi xin cho Nam một suất wild card tại Challenger ngay từ đầu, Nam có thể sẽ nản chí nếu thất bại. Vì vậy, Nam đã thi đấu từ các giải M15 để tích điểm dần dần cho đến các giải có cấp độ cao hơn. Điều này giúp cậu ấy quen dần với cảm giác chiến thắng.

Đến thời điểm này, các kế hoạch giữa tôi và Nam không bao giờ phải vẽ ra bằng giấy tờ. Chúng tôi chỉ trao đổi với nhau bằng miệng hoặc qua điện thoại. Sau đó, Nam sẽ lên kế hoạch, và tôi là người đáp ứng những kế hoạch đó cho Nam. Dần dần, 2 chú cháu đã cùng nhau đi đến ngày hôm nay. 

Bây giờ, việc tìm ra một tay vợt như Nam khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Rất khó để quần vợt Việt Nam sản sinh ra một tay vợt như vậy trong vòng 50 năm nữa. Khi đó, sẽ có một khoảng trống rất lớn, khiến chúng ta tự nhiên bị tụt lại phía sau. 

Chủ tịch CLB Hải Đăng Thái Trường Giang: Quần vợt Việt Nam nên dừng việc trả lương cho các VĐV - Ảnh 4

Liệu có cái tên nào ông đang đặt kỳ vọng ở thời điểm hiện tại hay không?

Cách đây 2 năm, tôi kỳ vọng vào Nguyễn Quang Vinh của TP. Hồ Chí Minh. Lúc đó, tôi đoán trong vòng 3 năm nữa, Vinh sẽ chỉ đứng sau Lý Hoàng Nam. Tuy nhiên, đây đã là năm thứ hai, nhưng Vinh lại tụt lùi. Nguyên nhân cũng là do gia đình và câu lạc bộ chưa có định hướng rõ ràng giữa chuyện học hành và tennis, chưa có kế hoạch cho Vinh đi va chạm nhiều. Điều này vô hình đã tạo ra áp lực cho cậu ấy.

Vinh là người khiến tôi tiếc nuối, bởi đây là tay vợt có đầy đủ tố chất và mọi điều kiện để bắt kịp Lý Hoàng Nam trong tương lai, thậm chí gần hơn. Nhưng đà phát triển của Vinh bây giờ đã chậm lại.  

Cái tên thứ hai là Phạm La Hoàng Anh của Hải Đăng. Cậu ấy có khát vọng, có tài năng và phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, qua giải đấu M25 vừa qua, tôi thấy Hoàng Anh chưa có tâm lý vững vàng để thi đấu ở cấp độ cao hơn. CLB cũng đang có những định hướng để Hoàng Anh có thể vượt qua điều đó trong thời gian sắp tới. 

Đối với quần vợt nam, tôi chỉ kỳ vọng ở Quang Vinh và Hoàng Anh. Còn với quần vợt nữ, mình đầu tư chưa đúng bài, chưa đi đúng hướng nên hiện chỉ kỳ vọng ở Ngô Hồng Hạnh của Hải Đăng. Hiện tại, tôi không cho bạn ấy đánh các giải quốc nội, thay vào đó sẽ thi đấu nhiều hơn ở các giải quốc tế. 

Có một nghịch lý là nếu không đánh giải trong nước nhiều, các tay vợt sẽ chịu thiệt thòi khi triệu tập lên tuyển quốc gia. Đây cũng là một trong những điều bất công. Tuy nhiên, tôi cũng nói rõ với các vận động viên của mình rằng nếu không được triệu tập, chúng tôi sẽ không tham gia. Các VĐV tham gia đội tuyển quốc gia dựa trên tài năng, tinh thần dân tộc và mong muốn cống hiến cho đất nước. 

Ngoài Hồng Hạnh, tôi còn kỳ vọng ở một vài bé mới 11, 12 tuổi, nhưng mọi thứ vẫn còn xa quá. Trong tennis, có những trường hợp mình đặt kỳ vọng, nhưng đến những khoảng tuổi như 10-15, khi các bé bắt đầu dậy thì, câu chuyện lại khác đi. Lúc đó, các bạn ấy có sự thay đổi về tình cảm, có đam mê những việc khác ngoài tennis, nên độ tuổi từ 16 đến 18 rất khó để kiểm soát. Điều này đòi hỏi câu lạc bộ, huấn luyện viên, cha mẹ phải có cách tiếp cận, phải ngồi lại với nhau nhiều để tìm ra hướng đi và chấn chỉnh các vận động viên.

Thể thao nữ Việt Nam có vẻ yếu hơn nam và chưa có thành tích đáng kể. Ông cũng vừa chia sẻ về trường hợp của Ngô Hồng Hạnh - một tay vợt rất tiềm năng. Liệu CLB Hải Đăng có dự tính đầu tư mạnh hơn nữa cho quần vợt nữ hay không?

Về trường hợp của Ngô Hồng Hạnh, có nhiều chuyên gia trong nước và cả nước ngoài nhận định bạn ấy có thể lọt top 100 WTA cách đây 3 năm. Tuy nhiên, nhiều yếu tố đã thay đổi. Bây giờ, Hạnh quay lại đi theo hướng thi đấu ở nước ngoài, ít thi đấu ở trong nước và tập trung đi theo con đường chuyên nghiệp. Bản thân Hạnh cũng có một giai đoạn không biết phương hướng, nhưng bây giờ đã bắt đầu trở lại. 

Nguồn vận động viên của Hải Đăng thực sự không dồi dào. Gần như không có vận động viên nào có thể đáp ứng kỳ vọng. Nguyên nhân là bởi ở địa bàn tỉnh, gần như không có phụ huynh nào muốn con đi học tennis. Họ chỉ học cho vui, học để rèn luyện sức khoẻ chứ không xác định cho con mình đi đến đỉnh cao. Kể cả khán giả, khi có giải cũng có rất ít người đến xem và cổ vũ. 

Tôi cũng đã cố gắng làm mọi cách để giúp mọi người khơi dậy đam mê, nhưng người dân Tây Ninh không thích môn này lắm. Đó là nỗi buồn của tôi. 

Hải Đăng hiện đang tập trung đầu tư cho Ngô Hồng Hạnh, bởi đây là tay vợt nữ duy nhất có tiềm năng. Ngoài ra, có 2 bạn khác ở Tây Ninh đã dự một số giải ITF, nhưng khả năng không tiến xa được. 

Hiện tại, khi so sánh quần vợt nữ Việt Nam với Thái Lan, điển hình là ở SEA Games, nước bạn đã phát triển xa hơn. Ngoài ra, các tay vợt nữ Philippines cũng rất hay. Tôi nghĩ khoảng 5 năm nữa, khi Hồng Hạnh lớn hơn, chúng ta mới có khả năng bắt kịp họ. 

Về trường hợp của trịnh Linh Giang, tay vợt này đã quyết định tập trung cho việc học tập thay vì thi đấu chuyên nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về quyết định này của Giang? Liệu ông có cảm thấy thất vọng không khi Giang đang là tay vợt số 2 Việt Nam?

Câu trả lời là không. Ngay từ ngày đầu về Hải Đăng, Linh Giang đã xác định theo con đường học hành. Cậu ấy luôn xác định rõ với tôi rằng: “Con có tập cũng không thể vượt qua Nam được. Đây không phải câu chuyện về tài năng, nhưng Nam đã quen từ nhỏ về áp lực và cường độ tập luyện. Mãi đến năm 16, 17 tuổi, con mới bắt đầu vào tập cùng Nam. Con chưa quen với cường độ như thế này nên không thể theo đuổi được. 

Con có thể thi đấu một vài trận, nhưng nếu đánh cả 1 giải đấu dài thì không đảm bảo. Vậy nên, con muốn đi học. Con chỉ duy trì đam mê rồi đánh giải, làm đối tượng để Nam tập luyện. Mục tiêu của con không phải là tennis nữa".

Tôi ghi nhận điều đó. Tôi đánh giá rất cao Linh Giang. Trong tất cả các vận động viên thể thao Việt Nam, hiếm ai có đức tính của cậu ấy. Ở ngoài xã hội, họ thấy Giang ‘ngông’, nhưng ai gần thì mới hiểu được tính cách của bạn ấy. Giang sống rất tình cảm và có trách nhiệm với mọi người. 

Chủ tịch CLB Hải Đăng Thái Trường Giang: Quần vợt Việt Nam nên dừng việc trả lương cho các VĐV - Ảnh 5

Linh Giang là một trong những vận động viên hy sinh cho Lý Hoàng Nam nhiều nhất. Cậu ấy không hề đố kỵ, không cảm thấy bản thân thua thiệt so với Nam. Có những lần 3 chú cháu đi với nhau. Khi bước ra ngoài, người ta biết Nam nhưng không biết Giang là ai. Dù sao Giang cũng là tay vợt số 2 Việt Nam. 

Tuy nhiên, Giang coi chuyện đó rất bình thường. Nếu là người sống ích kỷ, Giang sẽ cảm thấy khó chịu với Nam, nhưng cậu ấy không như vậy. Đây là điều tôi quý nhất ở Linh Giang. Chưa bao giờ tôi cảm thấy cậu ấy đố kỵ hay là tìm cách chơi xấu Nam. 

Linh Giang cũng rất thẳng tính. Trên Facebook, cậu ấy sẽ thẳng thắn thể hiện quan điểm khi không hài lòng về ai đó. Cũng chính vì thế nên Giang không thu hút được truyền thông. Giả sử Nam kiếm được 10 đồng, Giang sẽ chỉ kiếm được nửa đồng. Tuy nhiên, hai người vẫn là anh em.

Hiếm có cặp vận động viên nào giống như cặp Nam - Giang. Người thiệt thòi rõ ràng là Giang, nhưng cậu ấy chưa bao giờ có những ý nghĩ xấu với Nam. Tôi nghĩ, đức tính này của Giang rất hiếm. Kể cả khi tôi giận Nam, Giang cũng là một trong những người nói nhiều với tôi nhất, phân tích để tôi không giận Nam. 

Không biết xã hội đánh giá như thế nào, nhưng đối với tôi, tôi luôn tự hào về Giang. 

Tại thời điểm này, quần vợt Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, chỉ có Lý Hoàng Nam phát triển đúng như kỳ vọng. Vậy theo ông, đâu là những nguyên nhân khiến quần vợt nước ta vẫn chưa thể vượt qua tầm khu vực? 

Quần vợt Việt Nam chưa được xã hội quan tâm nhiều như bóng đá. Còn so với các môn khác, quần vợt có khả năng nhỉnh hơn. Hiện tại, chúng ta mới có Lý Hoàng Nam, sắp tới sẽ là một số cái tên khác. Nếu như tập trung nhiều người cùng làm, quần vợt Việt Nam sẽ giữ được vị trí trong khu vực Đông Nam Á . 

Thể thao Đông Nam Á là vùng trũng, còn Lý Hoàng Nam là trường hợp hiếm. Việc Việt Nam chưa thoát ra khỏi khu vực là do cách làm việc cũng như cách chúng ta nhận định về tennis.

Về mặt xã hội, cha mẹ khi cho con theo tennis phải xác định rõ con mình sẽ học văn hóa như thế nào và tập tennis ra sao. Đến năm các bé 18 tuổi, họ lại phải xác định có nên cho con theo tennis nữa hay không. Nếu không, các bé sẽ quay lại con đường đi học. Chuyện này là bình thường, nhưng Việt Nam lại chưa có. 

Tôi đang cố gắng giúp tất cả các vận động viên ở Hải Đăng theo con đường trên bằng mọi giá. So với các nước như Mỹ, thể thao học đường của họ thực sự đỉnh cao, chứ không như Việt Nam. Ở trường, thể thao học đường giống như phớt qua cho vui, chứ không có đem lại tác dụng gì. 

Nhìn nhận lại, do yếu tố quản lý nhà nước, do yếu tố xã hội nên tennis Việt Nam lâu lắm mới có những vận động viên như Lý Hoàng Nam, chứ không có tính liên tục. Tôi muốn nói thêm về một nghịch lý nữa. Ở Hải Đăng, các tay vợt phải tập 2 buổi sáng chiều, tối lại học bổ túc văn hóa. Tôi cũng mời sở giáo dục về dạy cho các vận động viên từ lớp 6 đến lớp 12, đáp ứng việc học văn hóa. Đương nhiên, lực học văn hóa của các bạn ở đây sẽ không bằng các bạn trên phổ thông. Các vận động viên phải tập luyện 8 tiếng mỗi ngày ngoài sân nắng, tối về mới bắt đầu học từ 18h30 hay 19h. Học 2-3 tiếng như vậy thì không thể so họ với các bạn bình thường. 

Đến giai đoạn thi trung học phổ thông, một số thứ cần phải thay đổi. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải ngồi lại để xác định rõ vấn đề điểm ưu tiên tốt nghiệp. Giả sử trường hợp của Minh Đức mới đây, bạn ấy chỉ thiếu nửa điểm để đậu trung học phổ thông. Đức học bổ túc mà có kết quả như vậy cũng được xem là ổn so với các bạn học trên trường. Nằm trong đội tuyển quốc gia nhưng Minh Đức lại không được cộng điểm ưu tiên, nửa điểm cũng không được cộng. Bởi vì trong quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ những ai có thành tích ở Hội khỏe Phù Đổng mới được cộng điểm ưu tiên.

Hội khỏe Phù Đổng khi so với giải vô địch quốc gia thì chắc chênh lệch cỡ vài chục lần. Tuy nhiên, những bạn có huy chương ở Hội khỏe Phù Đổng lại được cộng điểm, còn ở giải vô địch quốc gia thì không. Đây là nghịch lý mà ngành giáo dục và ngành thể thao phải ngồi lại cùng nhau để thay đổi. 

Sự phối hợp không nhịp nhàng này cho thấy quần vợt Việt Nam nên làm lại nhiều thứ. Thực tế thì không riêng quần vợt, các môn thể thao khác vẫn bị nhà nước ‘ôm’ quá nhiều.

Chủ tịch CLB Hải Đăng Thái Trường Giang: Quần vợt Việt Nam nên dừng việc trả lương cho các VĐV - Ảnh 7

Vậy theo ông, giải pháp cho thực trạng này là gì?

Theo tôi, nên dùng tiền trả lương hàng tháng cho các VĐV để thành lập một giải thưởng. Ví dụ 1 năm, Hưng Thịnh hay các tỉnh khác có 6 tỷ ngân sách. Số tiền này không nên dùng để trả lương cho vận động viên. Bạn nào chọn tennis thì gia đình phải nuôi, gửi đi trung tâm nào đó để đào tạo rồi đi thi đấu. 

Khi một VĐV vô địch, chúng ta nên dùng tiền trả lương kia để làm tiền thưởng. Bởi ai chiến thắng bản thân, ai tập luyện kiên trì sẽ có thành quả tốt hơn, giành nhiều tiền thưởng hơn. Họ có tiền thì sẽ thành cái nghề. 

Tại sao chúng ta phải tốn bao nhiêu ngân sách để làm mấy việc kia, trong khi xã hội hóa làm được? Tôi ở một tỉnh nhỏ, điều hành một doanh nghiệp nhỏ còn làm được, không lẽ các doanh nghiệp lớn ở các thành phố lớn lại làm không được? Doanh nghiệp lớn làm được thì nhà nước đừng làm nữa. Một số môn thể thao như điền kinh, không có câu lạc bộ nào làm được thì nhà nước bỏ ngân sách vào. Cái gì không xã hội hóa được thì nhà nước làm, còn không thì nhà nước nên buông ra.

Xét về khía cạnh truyền thông, dường như các cơ quan báo đài đang thờ ơ với quần vợt nói riêng và những môn ngoài bóng đá nói chung. Theo ông, liệu truyền thông có đang quá tập trung cho bóng đá nên giá trị thương mại của quần vợt ở môi trường Việt Nam còn thấp hay không?

Bóng đá là một môn thể thao vua, không chỉ riêng Việt Nam mà với tất cả các nước trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam thì điều này hơi quá, vì mọi người chỉ tập trung cho bóng đá. Tất cả các môn thể thao khác dường như không được quan tâm. 

Môn nào cũng là thể thao, môn nào cũng mang về huy chương và giải thưởng. Đây đều là mồ hôi, nước mắt của các vận động viên. Ví dụ ở SEA Games vừa qua, trong tổng cộng 100 tấm huy chương, có khoảng 10% của bóng đá. Tuy nhiên, khi mở một trang báo bất kỳ, chúng ta thấy các bài viết về bóng đá chiếm đa số.

So sánh 2 nhân vật là Lý Hoàng Nam và Nguyễn Quang Hải - hai người cùng sinh năm 1997. Đây là hai đại diện ưu tú cho thể thao Việt Nam, một là bóng đá, một là tennis. Tuy nhiên, Quang Hải làm gì mọi người đều biết. 

Lật ngược vấn đề, nếu truyền thông không viết về bóng đá thì không có người đọc, thu nhập của phóng viên sẽ không cao. Vậy nên, xuất phát từ nhu cầu xã hội, truyền thông phải viết về bóng đá để có người đọc. Về vấn đề này, chúng ta cũng không than trách truyền thông được, bởi họ cũng cần người đọc để có view.

Tuy nhiên, tại sao truyền thông không dẫn dắt xã hội mà lại đi theo đuôi của họ. Hay chúng ta thử dừng viết bóng đá, để độc giả phải đọc môn khác? Theo tôi, công tác truyền thông nên công bằng hơn với tất cả các lĩnh vực, cụ thể hơn là các môn thể thao.

Chủ tịch CLB Hải Đăng Thái Trường Giang: Quần vợt Việt Nam nên dừng việc trả lương cho các VĐV - Ảnh 8

CLB Hải Đăng vừa tổ chức 2 giải ITF M25. Trước đó, CLB cũng đã tổ chức thành công các giải M15. Ông có nhận xét gì về màn trình diễn của các tay vợt Việt Nam?

Hải Đăng lên kế hoạch tổ chức những giải này là để Lý Hoàng Nam tích lũy điểm, trở lại BXH và thi đấu những giải hạng cao hơn. Tiếp đó, CLB muốn tạo điều kiện để các tay vợt khác như Văn Phương, Minh Đức và các vận động viên của các CLB khác như Đắc Tiến cố gắng có điểm ATP. Việc giành điểm ATP rất quan trọng.

Trước đó, ở 3 giải M15, Khánh Duy, Minh Đức hay Linh Giang đã có điểm, tất cả các VĐV đều có điểm ATP. Đó là mục tiêu của Hải Đăng, làm sao để nhiều vận động viên có điểm ATP, từ đó tạo động lực cho tất cả các tay vợt trẻ học hỏi. 

Ở giải M25 vừa qua, điểm sáng là Cao Ngọc Lâm. Cậu ấy có sự phát triển, dù thua nhưng vẫn có ý chí chiến đấu khi chạm trán đối thủ mạnh. Lâm đã có sự tiến bộ rõ rệt. Cao Ngọc Lâm cách đây 5 năm được đánh giá rất cao. Nếu phát triển đúng kỳ vọng, cậu ấy có thể vào top 1000 ở thời điểm này. Nhưng Lâm lại không may dính chấn thương.  

Tennis có những điều rất khó giải thích. Một tay vợt đang phát triển rất tốt, nếu chấn thương sẽ đi xuống và chững lại mấy năm. Cao Ngọc Lâm là một trong những trường hợp như vậy. Dần dần đến thời điểm hiện tại, Lâm đã bắt đầu trở lại. 

Ngoài Lý Hoàng Nam, trường hợp của Phạm Minh Tuấn cũng là tấm gương để cho các vận động viên khác noi theo. Minh Tuấn chỉ sống bằng nghề tennis. Sau này khi giải nghệ, cậu ấy cũng phải sống bằng nghề tennis. Năm nay, Minh Tuấn đã ngoài 30 nên lúc nào cũng phấn đấu phải vào đội tuyển quốc gia, được thi đấu để có thu nhập lo cho vợ con. 

Sau thành tích ở 2 giải M25 vừa qua, Lý Hoàng Nam đã áp sát top 240 ATP.  Rất nhiều cổ động viên Việt Nam đang thắc mắc về cơ hội để Nam tham dự những giải đấu cao hơn như ATP 250 hay vòng loại Grand Slam.

Để dự các giải hạng cao như vậy, Nam cần phải tích lũy điểm. Mỗi lần Nam đi thi đấu, tôi lại thấy trên Facebook những comment như: “Sao Nam cứ tham dự mấy giải như vậy mãi?”, rồi họ chê trách nhiều điều. Nhưng họ phải nghĩ lại. Họ không phải là tôi, họ không phải là Nam. Muốn có thứ hạng như bây giờ, Nam phải có điểm số. Nhờ những điểm đó, Nam mới lọt top 275. Nếu không có top 275 thì làm sao được dự Challenger 100 hay là vòng loại ATP 250? Một bạn học sinh phải học hết cấp 1 thì mới được lên cấp 2 chứ? 

Chủ tịch CLB Hải Đăng Thái Trường Giang: Quần vợt Việt Nam nên dừng việc trả lương cho các VĐV - Ảnh 9

Vậy nên, nguyện vọng mà tôi và Nam đặt ra là cố gắng duy trì phong độ để vào được vòng loại Grand Slam Úc Mở rộng vào cuối năm nay. Ở hai giải M25, Nam đều đạt được điểm số cao. Còn các giải Challenger ở Nhật Bản sắp tới, chỉ cần Nam đạt 30% chỉ tiêu, cậu ấy sẽ đủ điều kiện tham dự vòng loại Úc Mở rộng 2023.

Quay trở lại với câu chuyện Hải Đăng đang “đơn độc” trên hành trình phát triển của quần vợt nước nhà. Sau thời gian đầu tư rất nhiều tiền bạc, tâm huyết, ông và Hải Đăng đã bao giờ nghĩ đến hai từ “dừng lại” chưa?

Với sức lực và điều kiện hiện tại, tôi sẽ cố gắng hết sức đến thời điểm mình còn có thể. Nhưng tôi nghĩ quần vợt Việt Nam sẽ không có sự phát triển bền vững nếu lâu lâu mới xuất hiện một vài nhân vật đáng chú ý. Vậy nên, sau Lý Hoàng Nam, giả sử không có tay vợt nào phát triển như kỳ vọng thì 10 hay 15 năm nữa, mình sẽ tụt lại phía sau. Rất khó! 

Hiện tại, tôi đang làm từ tiền của tôi. Tôi cũng không trông cậy vào nguồn của tài trợ của ai. Vậy nên, đến một thời điểm nào đó khi tôi lớn tuổi hay không còn làm ra tiền nữa, tôi sẽ phải nhượng lại. Tôi làm sản xuất, kinh doanh, nếu buôn bán không thuận lợi thì làm sao đảm bảo được?

Nhìn đi nhìn lại bao nhiêu năm nay, tôi nghĩ sẽ có nhiều người làm giống tôi. Tuy nhiên, họ chỉ làm ngẫu hứng một hai giải để lấy tiếng mà thôi. Không phải họ yêu môn tennis, mà họ chỉ sử dụng tennis để làm một sự kiện nào đó. Họ cũng không có định hướng phát triển trong vòng 5 năm hay 10 năm, cũng không nghĩ đến việc kéo mọi người làm và phát triển cùng mình. 

Chủ tịch CLB Hải Đăng Thái Trường Giang: Quần vợt Việt Nam nên dừng việc trả lương cho các VĐV - Ảnh 10

Sau 5-6 năm, tôi làm rồi mới cảm thấy thực sự khó khăn. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng cho Lý Hoàng Nam chơi đến năm 30 tuổi, Hồng Hạnh chơi đến năm 22 tuổi. Nếu không đạt được thành tích như kỳ vọng, có lẽ tôi sẽ dừng lại!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

TIN LIÊN QUAN
Lý Hoàng Nam thắng ngược tay vợt Hong Kong, lần thứ hai vào chung kết M25 Tây Ninh

Lý Hoàng Nam thắng ngược tay vợt Hong Kong, lần thứ hai vào chung kết M25 Tây Ninh

Lý Hoàng Nam có lần thứ hai vào chung kết giải M25 Tây Ninh sau chiến thắng ngược trước Chak Lam Coleman Wong - tay vợt tới từ Hong Kong (Trung Quốc).

Lý Hoàng Nam vô địch giải M25 Tây Ninh 2022, áp sát top 240 ATP

Lý Hoàng Nam vô địch giải M25 Tây Ninh 2022, áp sát top 240 ATP

Đánh bại tay vợt người New Zealand Ajeet Rai sau 2 set đấu, Lý Hoàng Nam đã chính thức đăng quang tại giải M25 Tây Ninh - Hải Đăng Cup 2022 (Tuần 2).

Lý Hoàng Nam vươn lên hạng 259 ATP, lọt top 250 vào tuần sau

Lý Hoàng Nam vươn lên hạng 259 ATP, lọt top 250 vào tuần sau

Tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam xếp hạng 259 thế giới ở bảng xếp hạng ATP cập nhật ngày 10/10. Đây là kỷ lục của cá nhân Hoàng Nam và của tennis Việt Nam.

Tay vợt Australia: Chúng tôi luôn được hỗ trợ tận tâm khi đến Hải Đăng thi đấu

Tay vợt Australia: Chúng tôi luôn được hỗ trợ tận tâm khi đến Hải Đăng thi đấu

Chia sẻ với Thethao.vn, tay vợt người Australia - Sam Ryan Ziegann đã dành rất nhiều lời khen ngợi cho CLB Hải Đăng Tây Ninh về công tác tổ chức các giải đấu. Anh cho biết các tay vợt luôn được CLB hỗ trợ nhiệt tình và tận tâm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Lý Hoàng Nam cùng CLB Hải Đăng Tây Ninh vô địch Giải đồng đội quốc gia 2024

Lý Hoàng Nam cùng CLB Hải Đăng Tây Ninh vô địch Giải đồng đội quốc gia 2024

Trong ngày Lý Hoàng Nam và Trịnh Linh Giang cùng tỏa sáng, CLB Hải Đăng Tây Ninh đã giành chức vô địch Giải quần vợt đồng đội vô địch quốc gia – Cúp Hoài n 2024.

Huyền thoại quần vợt Roger Federer bất ngờ xuất hiện tại Hội An

Huyền thoại quần vợt Roger Federer bất ngờ xuất hiện tại Hội An

Trong dịp nghỉ lễ, người hâm mộ tennis có dịp bất ngờ khi chứng kiến Roger Federer xuất hiện tại Hội An, Việt Nam.

Lý Hoàng Nam thua ngược đáng tiếc ở vòng loại Busan Challenger

Lý Hoàng Nam thua ngược đáng tiếc ở vòng loại Busan Challenger

Lý Hoàng Nam chưa thể góp mặt ở vòng đấu chính Busan Challenger 2024 sau trận thua ngược tại vòng loại.

Lý Hoàng Nam sang Hàn Quốc dự 2 giải Challenger

Lý Hoàng Nam sang Hàn Quốc dự 2 giải Challenger

Đầu tháng tư này, Lý Hoàng Nam sẽ có mặt tại Hàn Quốc để tham dự 2 giải Challenger ở Bunsan và Gwangju.

Lý Hoàng Nam thua tay vợt Ấn Độ 2 giải liên tiếp, lỡ hẹn vào chung kết M15 Chandigarh

Lý Hoàng Nam thua tay vợt Ấn Độ 2 giải liên tiếp, lỡ hẹn vào chung kết M15 Chandigarh

Một lần nữa, Lý Hoàng Nam lại nhận thất bại trước tay vợt người Ấn Độ Ramkumar Ramanathan, qua đó dừng bước ở vòng bán kết giải M15 Chandigarh.

Lý Hoàng Nam thắng thần tốc tay vợt Thái Lan, vào bán kết giải M15 Chandigarh

Lý Hoàng Nam thắng thần tốc tay vợt Thái Lan, vào bán kết giải M15 Chandigarh

Đánh bại tay vợt người Thái Lan Chanta Thanapet, Lý Hoàng Nam đã chính thức giành vé vào vòng bán kết giải M15 Chandigarh (Ấn Độ).

Lý Hoàng Nam dừng bước ở bán kết M25 New Delhi, giữ vị trí trong top 500 ATP

Lý Hoàng Nam dừng bước ở bán kết M25 New Delhi, giữ vị trí trong top 500 ATP

Để thua tay vợt chủ nhà Ramkumar Ramanathan, Lý Hoàng Nam đã phải dừng bước ở vòng bán kết giải M25 New Delhi (Ấn Độ).

Lý Hoàng Nam thắng dễ tay vợt ngoài top 1500 thế giới ở giải M25 New Delhi

Lý Hoàng Nam thắng dễ tay vợt ngoài top 1500 thế giới ở giải M25 New Delhi

Trong trận ra quân tại giải M25 New Delhi (Ấn Độ), Lý Hoàng Nam không gặp nhiều khó khăn để đánh bại Manish Ganesh - tay vợt đang xếp ngoài top 1500 ATP.

Lý Hoàng Nam trở lại Top 500 thế giới nhờ chức vô địch tại Thái Lan

Lý Hoàng Nam trở lại Top 500 thế giới nhờ chức vô địch tại Thái Lan

Với chức vô địch giải M15 Nakhon 2 tại Thái Lan, Lý Hoàng Nam đã được cộng điểm để nhảy vọt 62 bậc, leo lên thứ hạng 488 thế giới.

Lý Hoàng Nam tái phát bệnh đau dạ dày, rút khỏi giải M15 Nakhon

Lý Hoàng Nam tái phát bệnh đau dạ dày, rút khỏi giải M15 Nakhon

Do tái phát bệnh đau dạ dày, tay vợt số 1 Việt Nam đã quyết định rút khỏi giải M15 Nakhon tại Thái Lan.

Tin nổi bật