“Tennis thực sự khắc nghiệt”, đó là chia sẻ của Lý Hoàng Nam trong buổi trò chuyện cùng Thethao.vn. Là niềm hy vọng số 1 của quần vợt Việt Nam, chàng trai quê Tây Ninh đang gánh trên vai không ít áp lực. Trên chặng đường phía trước, mục tiêu của anh là bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games trên sân nhà, xa hơn nữa là điền tên mình vào top 100 tay vợt hàng đầu thế giới trước khi bước sang tuổi 30.

“Tennis thực sự khắc nghiệt”, đó là chia sẻ của Lý Hoàng Nam trong buổi trò chuyện cùng Thethao.vn. Đứng trên đỉnh vinh quang, là niềm hy vọng số 1 của quần vợt Việt Nam, chàng trai quê Tây Ninh đang gánh trên vai không ít áp lực. Trên chặng đường phía trước, mục tiêu của anh là bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games trên sân nhà, xa hơn nữa là điền tên mình vào top 100 tay vợt hàng đầu thế giới trước khi bước sang tuổi 30.


PV: Trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, quần vợt Việt Nam bị đóng băng trong thời gian khá dài. Việc dừng thi đấu lâu như vậy có ảnh hưởng như thế nào đến quá trình phát triển sự nghiệp của Nam?

Lý Hoàng Nam: Tôi nghĩ dịch COVID-19 có ảnh hưởng đến tất cả mọi người, trong đó có tôi. Tôi đã bị kẹt ở Việt Nam gần 18 tháng khi không được thi đấu ở nước ngoài. Tôi chỉ tập luyện và đánh 1 hoặc 2 giải trong nước. Bên cạnh đó, việc tập luyện mỗi ngày mà không có mục tiêu cũng khá nhàm. Vì vậy, mọi thứ đều khó khăn đối với tôi.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tôi thấy rất vui khi đã vượt qua giai đoạn trên. Sau khi đi đánh Davis Cup cho ĐT Việt Nam, tôi cũng lên kế hoạch tham dự các giải quốc tế cho bản thân, lần lượt ở Ai Cập và Mexico để kiếm lại điểm số mà mình đã đánh mất trong 2 năm qua. Chuyến đi này thực sự thành công khi tôi giành 3 chức vô địch và cải thiện vị trí trên BXH ATP. Tôi nghĩ đây là bước ngoặt quan trọng, giúp tôi có sự trở lại vô cùng mạnh mẽ. Hy vọng rằng trong năm 2022, dịch COVID-19 sẽ lắng xuống và tôi có thể đi thi đấu thường xuyên.

Trong sự nghiệp, thứ hạng cao nhất của Nam trên BXH ATP là 385 (năm 2018). Vậy nếu như không có khoảng thời gian 18 tháng bị kẹt ở Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch, Nam nghĩ mình đang ở hạng bao nhiêu thế giới? 

Tôi nghĩ ở thời điểm hiện tại, phong độ của tôi còn tốt hơn thời điểm tôi đạt thứ hạng 385. Tôi không khẳng định mình sẽ lọt vào top 200 hay 300. Tôi chỉ thấy mình đang có sự tự tin cao độ. Trong suốt thời gian không được đi thi đấu, tôi vẫn có thể cải thiện được các điểm yếu, bởi tôi có rất nhiều thời gian để tập luyện. Ngoài ra, ban huấn luyện cũng đưa ra những giáo án hợp lý để tôi không cảm thấy nhàm chán. 

Lý Hoàng Nam: ‘Nếu không lọt top 100 ATP trước năm 30 tuổi, tôi sẽ nghỉ chơi tennis’

Tôi nghĩ rằng nếu được đi thi đấu, tôi vẫn giữ được vị trí trong top 400, thậm chí cao hơn. Bởi vì phong độ hiện tại của tôi đang rất cao. Trong vòng 2 tháng khi trở lại thi đấu, tôi đã vô địch 3 giải - điều mà tôi chưa từng làm được. Trước đó, tôi mới chỉ giành 2 giải quốc tế. Điều này tiếp thêm cho tôi rất nhiều sự tự tin để có thể thi đấu các giải ở hạng cao hơn. 

Nam có thể nói rõ hơn về sự tiến bộ của bản thân không? Nam của hiện tại khác gì so với Nam ở thời điểm vô địch Wimbledon đôi trẻ vào năm 2015?

Tôi nghĩ mình đã có sự tiến bộ về mọi mặt, cả về tâm lý, thể lực và chuyên môn. Có thể là do lúc trước, tôi tập luyện chưa đủ nhiều. Nhưng sau các chuyến tập huấn, được tập luyện với các tay vợt trong top 100 hay 50, tôi nhận ra rằng họ dành rất nhiều thời gian cho việc tập luyện. Vì vậy, suốt 1 năm qua, tôi đã nỗ lực tập luyện nhiều hơn nữa. 

Lúc này, tôi cảm giác mình đã nhanh hơn. Tuy nhiên, điểm tiến bộ nhất của tôi chính là tâm lý và sự tự tin. Ở các giải đấu mà tôi vừa vô địch, nhất là ở các trận bán kết hay chung kết, tôi nhận thấy mình thi đấu rất hay ở các điểm quyết định. Đây có thể coi là thành quả cho suốt một năm luyện tập vừa qua. 

Còn về chức vô địch Wimbledon 2015, đó chỉ là giải trẻ thôi. So với thời điểm hiện tại, tôi đã chững chạc và tiến bộ hơn rất nhiều.

Lý Hoàng Nam: ‘Nếu không lọt top 100 ATP trước năm 30 tuổi, tôi sẽ nghỉ chơi tennis’

Nam có thể chia sẻ về việc tập luyện, sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của mình không? 

Bộ môn tennis luôn yêu cầu các tay vợt phải kỷ luật, cả trong lẫn ngoài sân. Ngoài ra, đây cũng là môn khiến các VĐV hao mòn thể lực. Khi bước ra sân và thi đấu với cường độ cao, nếu không nghỉ đủ, không ăn đủ, bạn không thể thi đấu tiếp ngày hôm sau. Vì vậy, tính kỷ luật trong tôi rất cao. Tôi luôn cố gắng gìn giữ để bản thân luôn có phong độ cao nhất, có sự chuẩn bị tốt nhất cho cả giải đấu. Điều này cũng được áp dụng khi tôi tập luyện hàng ngày. 

Mọi người vẫn thường hay trêu rằng tôi đi ngủ sớm quá. Sau quãng thời gian tập luyện mệt mỏi, tôi không muốn làm gì cả. Vì vậy, tôi thường đi ngủ từ 9 đến 10 giờ tối rồi thức dậy vào 6 đến 7h sáng hôm sau. Bình thường, các VĐV khác sẽ ăn sáng trước khi tập khoảng 1 tiếng, còn tôi sẽ ăn trước 2 tiếng. Trong khoảng thời gian đó, tôi sẽ nghỉ ngơi. Tôi cũng luôn đến sân trước buổi tập khoảng 30 phút. Mọi thứ đã trở thành thói quen. Đây là điều mà tôi đã học hỏi được từ các đàn anh. 

Chiều cao trung bình cũng như thể chất của người Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á nói chung khá hạn chế. Theo Nam, đây có phải là sự thiệt thòi của chúng ta so với các tay vợt quốc tế?

Chiều cao lý tưởng để chơi tennis là từ 1m85 đến 1m9. Người châu Á mình bị thiệt thòi về thể chất lẫn chiều cao khá nhiều so với châu Âu hay châu Mỹ. Tuy nhiên, bù lại, chúng ta lại nhanh nhẹn hơn. Vì mình không cao nên cú giao bóng của mình chắc chắn không uy lực và hiểm hóc như các tay vợt khác. Bù lại, mình có thể giữ game giao bóng của mình bằng cách đánh ra góc hoặc chiến thắng bằng tốc độ di chuyển.

Ví dụ như trường hợp của Nishikori. Anh ấy có chiều cao tương đương tôi - khoảng 1m75 đến 1m78, nhưng anh ấy rất nhanh. Đây là tấm gương để tôi học hỏi. 

Để có được sự nhanh nhẹn thì thể lực là yếu tố rất quan trọng. Vậy Nam tập luyện thể lực như thế nào để luôn có thể trạng tốt nhất cho các trận đấu?

Ở các giải đấu, tôi sẽ đi cùng HLV thể lực của mình. Ở các giải M15 mà tôi vừa vô địch, công đầu thuộc về HLV thể lực. Sau 1 trận, anh ấy sẽ giúp tôi hồi phục để có sức khoẻ cho trận kế tiếp. 

Ngày trước, tôi không quá chú trọng đến vấn đề thể lực. Khi vào sân, mình chỉ bẻ tay mấy cái, giãn cơ rồi thi đấu luôn. Khi có HLV thể lực giỏi chuyên môn, mọi thứ đã được cải thiện rõ rệt. Tôi rất hài lòng với HLV thể lực hiện tại của mình.

Lý Hoàng Nam: ‘Nếu không lọt top 100 ATP trước năm 30 tuổi, tôi sẽ nghỉ chơi tennis’

Có nhận định cho rằng lịch thi đấu của VĐV tennis chẳng khác nào robot, bởi nếu không thi đấu, bạn sẽ mất điểm và rớt hạng. Vậy có khi nào Nam cảm thấy mình bị quá tải, sức khỏe bị ảnh hưởng và muốn bỏ cuộc chưa? Hơn thế nữa, bạn có cảm thấy thu nhập từ môn tennis đã xứng đáng với công sức bạn bỏ ra hay chưa?

Thực sự thì ở quốc tế, nếu muốn chơi tennis thì bạn phải giàu. Bạn phải trả tiền cho HLV chuyên môn, HLV thể lực rồi chi phí đi lại nữa. Với bản thân tôi, nếu không có CLB chủ quản tài trợ thì tôi cũng không thể đi thi đấu quốc tế được. 

Bên cạnh đó, tennis còn khắc nghiệt ở chỗ, khi bạn ở ngoài top 150 ATP thì bạn sẽ không kiếm được tiền. Từ 150 đến 200, số tiền bạn kiếm được chỉ vừa đủ để trang trải các chi phí như thuê HLV, đi lại hay tiền thuê khách bạn. Nếu muốn dư giả thì bạn ít nhất phải vào top 150. Vì vậy, tất cả các VĐV đều phải nỗ lực thi đấu thật hay để kiếm tài trợ. 

Có bao giờ Nam muốn có cuộc sống của một người bình thường, không phải gò mình vào khuôn khổ, được ngủ muộn hơn, dậy muộn hơn, có thể đi chơi, đi xem phim hay tán gẫu với bạn bè không?

Thực sự trong thâm tâm, tôi rất muốn có điều đó, muốn đầu óc mình được thoải mái một chút và không phải suy nghĩ quá nhiều về chuyện giờ giấc. Thỉnh thoảng khi đi đánh giải, bạn bè đi ăn đi uống cũng gọi facetime cho tôi. Tôi thấy họ sống cuộc sống vui vẻ quá, còn mình thì không thoải mái được như vậy. 

Tuy nhiên, ý chí và các mục tiêu trong tôi luôn rất cao. Tôi luôn muốn thử thách bản thân, muốn làm những điều mà người ta nghĩ mình không thể làm được. Vì vậy, tôi đã quen với khó khăn. Có những năm tôi đi đánh giải quốc tế đến 8-9 tháng, còn chuyện ăn tết xa nhà đã trở nên quá bình thường.

Lý Hoàng Nam: ‘Nếu không lọt top 100 ATP trước năm 30 tuổi, tôi sẽ nghỉ chơi tennis’

Việc đi thi đấu xa nhà trong thời gian dài như vậy là sự đánh đổi rất lớn. Nam có cảm thấy sợ hay tiếc nuối khi đánh mất các mối quan hệ xã hội với bạn bè không?

Quần vợt là môn thể thao cá nhân. Hầu hết các VĐV tennis có rất ít bạn. Họ chỉ có bạn bè trên sân đấu, ở các giải đấu quốc tế, họ gặp nhau, quen nhau và kết bạn với nhau. Bản thân tôi cũng vậy. Nếu hỏi tôi có bạn ở quê Tây Ninh không thì tôi sẽ trả lời là không. Tôi chỉ có bạn bè là các thành viên trong đội, những người tập luyện cùng tôi mỗi ngày. Còn nói về bạn thân thì tôi chỉ có 1 hoặc 2 người. Đó cũng là những người anh mà tôi từng tập chung trong đội ngày xưa. Hiện tại, họ đã dừng thi đấu và đi làm các công việc khác, nhưng chúng tôi vẫn liên lạc với nhau. 

Đối với tôi, tennis thực sự khắc nghiệt. Chúng tôi phải đi thi đấu liên tục, không có bạn. Có những giải tôi phải đi một mình, không có cả HLV. Tôi phải tự chiến đấu một mình trên sân với đối thủ. Tuy nhiên, điều này cũng giúp tôi có thêm sức mạnh và ý chí kiên cường để có thể thi đấu ngày một tốt hơn. 

Đâu là khoảnh khắc Nam cho là khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình, tính đến thời điểm hiện tại?

Có lẽ là lần đầu tiên tôi đi thi đấu quốc tế một mình, không có HLV. Khi đó, tôi mới 14 tuổi và tham dự một giải ở Nhật Bản. Vì không biết tiếng Nhật nên khi mọi người nói chuyện, tôi không hiểu gì hết, chỉ ú ớ thôi. Họ hướng dẫn gì khi tập thì mình chỉ nghe rồi làm theo. Đến tối về, tôi cảm thấy rất buồn. Tôi có ở chung với một bạn người Philippines nữa nhưng lúc đó vẫn chưa nói được tiếng Anh. Tôi chỉ biết gọi về cho gia đình, khóc rồi đòi về vì không chịu nổi. Bố mẹ lúc đó cũng động viên tôi ở lại để hoàn thành giải đấu. Vượt qua những ngày tháng như vậy mới có Lý Hoàng Nam như ngày hôm nay.

Lý Hoàng Nam: ‘Nếu không lọt top 100 ATP trước năm 30 tuổi, tôi sẽ nghỉ chơi tennis’

Vậy những sự can đảm, kiên định và yêu thích thử thách mà Nam vừa nói đến là tính cách trời sinh của bạn, hay được tôi luyện nên sự khắc nghiệt của môn tennis?

Nếu gọi là tính cách trời sinh thì không phải. Tôi nghĩ mọi thứ đến từ môi trường sống và làm việc của tôi từ trước đến nay, đến từ sự chỉ dạy của những người đàn anh, giúp tôi có cá tính như hiện tại. Ngày xưa tôi có tập với một anh và để thua quá nhiều. Khi đó, tôi cảm thấy rất khó chịu và ngày nào cũng rủ anh ấy đánh cùng, đến khi nào thắng mới thôi. Từ những câu chuyện nhỏ như vậy đã cho tôi suy nghĩ rằng mình phải cố gắng làm được những điều mình muốn.
 
Cá nhân tôi cũng thấy mình khá may mắn khi được đi thi đấu quốc tế nhiều. Theo tôi biết thì nhiều VĐV Việt Nam khi nghĩ đến ra nước ngoài thi đấu là họ có tâm lý sợ thua rồi. Bản thân tôi không như vậy. Nếu đối thủ hay hơn mình thì họ thắng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải nỗ lực, cống hiến hết sức mình trên sân đã, kết quả tính sau. 

Vậy nếu như không lựa chọn tennis, Lý Hoàng Nam sẽ là người như thế nào? Trước khi thi đấu tennis, bạn có phải một người cá tính như bây giờ không?

Tôi nghĩ cá tính của tôi có một phần được thừa hưởng từ mẹ. Mẹ tôi là một người vô cùng mạnh mẽ. Còn ngày xưa, lúc còn đi học, tôi cũng như bao người khác thôi. Thực ra tôi cũng không có nhiều ký ức về thời điểm đó. Chỉ đến khi bắt đầu chơi tennis, tôi mới hiểu rõ bản thân mình cần gì và muốn gì. Lúc này, tôi mới là chính tôi

Bố hay mẹ là người ảnh hưởng đến Nam nhiều hơn trên con đường sự nghiệp?

Người theo tôi trong suốt khoảng thời gian mới thi đấu là bố tôi. Bố luôn đồng hành, gắn bó cùng tôi, chở tôi tôi đi tập, ăn ngủ cùng tôi. Còn nói về cá tính khi thi đấu thì tôi nghĩ tôi nhận từ mẹ nhiều hơn. Ngày xưa, mẹ tôi là một kiện tướng bóng bàn, cũng đi thi đấu và vô địch các giải. Khi ra sân, mẹ tôi thi đấu rất máu lửa và luôn có tâm lý vững vàng. Vì vậy, tôi học hỏi được rất nhiều điều từ mẹ. 

Lý Hoàng Nam: ‘Nếu không lọt top 100 ATP trước năm 30 tuổi, tôi sẽ nghỉ chơi tennis’

Có nhận định cho rằng ở Việt Nam, khi bố mẹ cho con theo nghiệp thể thao thì thường xảy ra 2 trường hợp. Một là hoàn cảnh gia đình vất vả và con có sự đam mê, quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn. Hai là khi thấy con mình chơi thể thao nhưng tương lai lại quá mù mịt hay dễ gặp chấn thương, bố mẹ sẽ khuyên con sớm từ bỏ để lựa chọn công việc khác. Vậy với gia đình Nam thì sao? Bố mẹ có ủng hộ Nam hết mình khi bạn theo nghiệp tennis không?

Ở thời điểm tôi bắt đầu chơi tennis thì bộ môn này không hề phổ biến ở Tây Ninh. Bố mẹ tôi chỉ chơi tennis với các cô chú trong hội để rèn luyện sức khỏe. Khi đó, tôi có đi theo ra sân rồi bắt đầu thích và xin bố mẹ cho tập cùng. Sau 1 năm tập luyện ở Gò Dầu, tôi tham dự 1 giải U10 ở Nha Trang và giành chức vô địch. 

Thời điểm đó, Bình Dương có một lò đào tạo tennis rất nổi tiếng và họ có kế hoạch tuyển chọn các tay vợt trẻ, tài năng. Một người bạn của bố mẹ tôi đã giới thiệu tôi đến đó. Bản thân tôi rất muốn thử sức, dù mình còn nhỏ, mới 8 tuổi thôi. Giờ nghĩ lại, tôi thấy bố mẹ tôi khá liều và bản lĩnh khi đồng ý cho tôi đến Bình Dương, bởi tôi phải tập luyện xa nhà trong thời gian dài. Tôi biết bố mẹ cũng phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều mới quyết định cho tôi đi. Nhờ có quyết định đó của bố mẹ, tôi mới nối duyên với tennis và đi theo nó đến tận bây giờ.

Có khi nào bố mẹ khuyên Nam từ bỏ tennis để chuyển hướng sang con đường khác chưa?

Theo tôi nhớ thì cũng có rất nhiều lần bố mẹ bảo tôi bỏ tennis để đi học, bởi có những thời điểm tôi thua giải liên tục, rồi gặp vấn đề với CLB. Bố mẹ sợ tôi theo con đường này sẽ không có tương lai. Tuy nhiên, không hiểu vì cơ duyên nào mà tôi vẫn gắn bó với tennis đến tận bây giờ. Chính xác thì tôi là một trong số ít những tay vợt tennis thành công ở Việt Nam. Hầu như những người đàn anh trong đội với tôi đều đã đi theo hướng khác rồi. 

Vậy khi những người đàn anh, đồng nghiệp bỏ không theo tennis nữa, Nam có suy nghĩ như thế nào? Quyết định đó của họ có ảnh hưởng đến bạn hay không?

Mỗi người đều có lựa chọn và quyết định của riêng mình. Để có thể theo đuổi môn tennis, bạn phải có ý chí, nghị lực rất lớn. Khi bạn tập luyện nhiều, tập mỗi ngày với cường độ cao mà đi đánh giải lại thua hoặc không có giải để thi đấu thì rất dễ có tâm lý chán nản. Nhiều người khi đó sẽ chọn bỏ cuộc. Đây cũng là vấn đề của nhiều tay vợt đàn anh của tôi. Còn với bản thân tôi, tôi đã đạt được một số thành công nhất định, đã vô địch các giải quốc gia và cả quốc tế. Điều đó tạo cho tôi động lực lớn để tiếp tục thi đấu, để luôn nỗ lực trên sân và chinh phục những đỉnh cao mới trong sự nghiệp.

Nam có thể chia sẻ về 3 cột mốc bạn cảm thấy là quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình không? 

Cột mốc đầu tiên là khi tôi đánh bại anh Đỗ Minh Quân ở bán kết giải vô địch quốc gia 2012 rồi lên ngôi vô địch. Khi đó, tôi mới 15 tuổi và trở thành tay vợt trẻ tuổi nhất vô địch giải quốc gia trong lịch sử. 

Cột mốc thứ hai là chức vô địch đôi trẻ Wimbledon 2015. Thời điểm đó, không ai nghĩ tôi có thể vô địch, ngay cả bản thân tôi cũng không tưởng tượng đến chuyện đó. Các đối thủ đều rất mạnh, trong khi đánh đôi không phải sở trường, cũng không phải nội dung mà tôi chú trọng. Tuy nhiên, tôi cùng với người bạn Ấn Độ lại thi đấu rất ăn ý và sau đó đã đăng quang. 

Cột mốc thứ ba là chức vô địch Men Future ở Bình Dương năm 2016. Thời điểm đó, đối với Việt Nam thì Men Future là thứ gì đó rất “ghê gớm”. Tôi nhớ các tay vợt Việt Nam chỉ vào đến vòng 2 hoặc cao nhất là tứ kết nên không ai nghĩ tôi có thể vào sâu và vô địch. Đây cũng là danh hiệu nhà nghề đầu tiên trong sự nghiệp của tôi. 

Đi sâu hơn vào từng cột mốc, Nam có cảm xúc như thế nào khi vượt qua đàn anh Đỗ Minh Quân để giành chức vô địch quốc gia ở tuổi 15? 

Tôi nhớ ở thời điểm đó, anh Quân là một tượng đài của tennis Việt Nam. Hầu như không ai có thể vượt qua được anh ấy. Bản thân tôi cũng không nghĩ mình có thể thắng anh ấy, bởi khi đó tôi còn quá nhỏ. Trước trận bán kết, tôi đã thua anh Quân đến 6 lần. Tuy nhiên, sau mỗi trận thua, tôi đều về nhà xem lại rồi rút ra kinh nghiệm để cải thiện bản thân. Đến các trận thứ 5 hay thứ 6, tôi đã tiến bộ hơn và chỉ thua sau 3 set chứ không thua chóng vánh 2 set 6-0, 6-0 như trước nữa. Đến trận thứ 7, tôi đã giành chiến thắng. 

Lý Hoàng Nam: ‘Nếu không lọt top 100 ATP trước năm 30 tuổi, tôi sẽ nghỉ chơi tennis’

Đến cột mốc thứ 2 là chức vô địch Wimbledon trẻ - giải đấu trên mặt sân cỏ. Ở Việt Nam, các tay vợt thường chỉ quen với mặt sân cứng. Vậy Nam có gặp khó khăn khi thi đấu trên mặt sân cỏ, hay cả mặt sân đất nện ở Roland Garros hay không? 

Thời điểm đó tôi mới 16 tuổi. Khi mới vào sân, tôi bị trượt ngã rất nhiều lần bởi mặt sân quá trơn. Mình không quen với 2 mặt sân đó và không biết phải chạy thế nào. Tôi phải mua giày riêng cho sân cỏ và sân đất nện rồi tập làm quen. 

Tuy nhiên, khi đã quen với mặt sân thì tôi lại thi đấu khá tốt trên sân đất nện. Tại Roland Garros năm đó, tôi đã vào đến vòng 3 và đánh bại một số tay vợt cũng có tên tuổi ở thời điểm đó. Còn tính đến hiện tại, tôi chỉ chuyên thi đấu trên mặt sân cứng. Với 2 mặt sân còn lại, mình không thể so sánh với các tay vợt châu Âu. Riêng với mặt sân cỏ thì tôi không có cơ hội thi đấu. Lần duy nhất là ở Wimbledon trẻ năm 2015.

Còn cột mốc thứ ba - vô địch giải Men Future năm 2016 thì sao?

Thời điểm đó, các giải nhà nghề là một thứ gì đó rất xa vời với Việt Nam. Khi thấy các tay vợt xếp hạng khoảng 1500, 1700 qua thi đấu, mình cảm giác họ như những ngôi sao vậy. Tuy nhiên, bây giờ khi nhìn lại, mình mới thấy giải Men Future đó chẳng là gì cả. Đây là hạng nhà nghề thấp nhất trong hệ thống thi đấu chuyên nghiệp. Vì thế, tôi biết mình vẫn còn ở khá xa so với mặt bằng chung của quần vợt thế giới. 

Sang năm 2022, mục tiêu của tôi là chinh phục các giải cao hơn là Men Future M25 và Challenger, bởi trước đó tôi vừa vô địch các giải M15 rồi. Tôi thực sự mong muốn Việt Nam có thể đăng cai một giải Challenger. Trong quá khứ, tôi đã từng đánh giải Challenger ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm đó, tôi thấy mình vẫn chưa đủ chững chạc. Còn bây giờ thì khác, tôi đã tự tin thi đấu với các tay vợt trong top 300 đến 100. Đó sẽ là cơ hội tốt để tôi biết bản thân mình đang ở đâu. 

Nam có nói rằng tennis có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bạn. Vậy bạn đã học được điều gì từ tennis và lối đánh của Nam trên sân có phản ánh tính cách con người bạn không?

Theo tôi, tính cách của mình như thế nào thì mình sẽ đánh tennis y như vậy. Ví dụ như với một người kỹ tính, cẩn thận thì khi vào sân, họ cũng sẽ chắt chiu từng cơ hội, thậm chí là không dám tấn công. Còn với những người có tính cách máu lửa, liều lĩnh thì sẽ hoàn toàn ngược lại. Đặc biệt là ở những thời điểm quan trọng, tính cách của mỗi người sẽ bộc lộ ra hết. 

Khi trước, tôi là một người khá cầu toàn thì khi vào sân mình cũng như vậy. Đến những điểm quan trọng, tôi có tâm lý sợ và không dám đánh vì sợ đánh hỏng. Tuy nhiên, sau một thời gian tập luyện với rất nhiều HLV, tôi có nhận được lời khuyên rằng với bộ môn tennis, nếu không tấn công thì bạn không thể đi xa được. Vì vậy, tôi bây giờ đã có suy nghĩ khác. Khi vào sân, cứ có bóng là phải chơi tấn công, nếu không mình sẽ rơi vào thế bị động trước đối thủ.

Ở ngoài cuộc sống cũng vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể cầu toàn được. Có những việc chúng ta phải ra quyết định ngay lập tức. Có thể nói tennis đã giúp tôi trở thành một con người quyết đoán hơn và không bị mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ về một vấn đề nào đó.

Lý Hoàng Nam: ‘Nếu không lọt top 100 ATP trước năm 30 tuổi, tôi sẽ nghỉ chơi tennis’

Với trường hợp của Nam, đơn vị chủ quản đã có sự hỗ trợ như thế nào để giúp bạn vươn tầm thế giới?

Tôi hiện đang nhận được sự hỗ trợ 100% từ CLB Hải Đăng Tây Ninh. Các kế hoạch thi đấu mà tôi đề xuất, nếu hợp lý đều được CLB thông qua. Tôi cảm thấy bản thân mình thực sự may mắn. Đây cũng là động lực để tôi phấn đấu, bởi nếu muốn tiến xa thì mình phải đi thi đấu quốc tế liên tục.

Theo Nam, yếu tố nào là quan trọng nhất để một tay vợt gặt hái thành công trong môn tennis? Liệu chăm chỉ thôi đã đủ hay chưa?

Chăm chỉ là một yếu tố bắt buộc phải có. Tuy nhiên, khi ra thi đấu quốc tế, bản lĩnh là yếu tố rất quan trọng. Nó sẽ cho bạn biết mình có phù hợp với môn tennis không. Đối với cá nhân tôi, tôi không hề có tâm lý sợ hãi khi thi đấu với các tay vợt hạng cao hơn ở nước ngoài. Tôi cũng từng gặp rất nhiều trường hợp các tay vợt tập luyện vô cùng chăm chỉ, nhưng khi ra thi đấu họ lại không làm được. Vì vậy, đến một lúc nào đó, họ sẽ phải rẽ sang một hướng khác.

Lý Hoàng Nam: ‘Nếu không lọt top 100 ATP trước năm 30 tuổi, tôi sẽ nghỉ chơi tennis’

Nam có đánh giá như thế nào về nền quần vợt nước nhà ở thời điểm hiện tại?

Ở thời điểm hiện tại, tennis Việt Nam đã tiến bộ và phát triển hơn rất nhiều. Chúng ta có nhiều CLB hơn, nhiều HLV nước ngoài hơn và độ phổ biến của môn tennis cũng cao hơn. Khi tôi vô địch các giải đấu như Men Future hay xa hơn có thể là Challenger, các tay vợt trẻ sẽ được tiếp thêm rất nhiều động lực và sự tự tin. Đây là những dấu hiệu vô cùng tích cực cho tương lai của tennis Việt Nam. 

Cái thiếu của Việt Nam là sự đầu tư. Chúng ta cần những CLB có quy mô, có HLV chuyên môn giỏi, có HLV thể lực giỏi, có đầy đủ cơ sở vật chất. Nếu làm được điều đó, không có lý do gì chúng ta lại không thành công. Trong đó, CLB Hải Đăng hiện tại đang là hình mẫu lý tưởng. Theo tôi thì trong vài năm nữa, Việt Nam sẽ tìm ra các nhân tố mới xuất sắc. 

Ở cấp độ quốc tế, Nam thần tượng tay vợt nào và có bị ảnh hưởng bởi con người và phong cách thi đấu của họ không?

Tôi thích phong cách thi đấu của Roger Federer và thích tính cách lì lợm của Novak Djokovic. 

Với Djokovic, ở những thời điểm quan trọng, anh ấy luôn đánh rất hay và hầu như không mắc lỗi. Nếu nói về tâm lý thi đấu thì Nole là số 1, không ai hơn được. 

Còn về Federer, lối đánh của anh ấy có thể nói là nghệ thuật. Tôi đã từng được xem anh ấy tập luyện trực tiếp. Anh ấy chơi nhàng như đang trình diễn nhưng vẫn rất chính xác. 
Hiện tại, tôi đang rất chờ đợi ngày Federer trở lại thi đấu.

Lý Hoàng Nam: ‘Nếu không lọt top 100 ATP trước năm 30 tuổi, tôi sẽ nghỉ chơi tennis’

Nam hiện tại đã có kế hoạch cho tương lai xa hơn chưa? Nam dự định sẽ thi đấu chuyên nghiệp đến năm bao nhiêu tuổi?

Thực sự thì khi tập trung đi thi đấu, tôi không nghĩ quá nhiều về tương lai. Năm nay tôi 25 tuổi. Tôi cũng đã nói với CLB Hải Đăng rằng mình sẽ cố gắng thi đấu đến năm 30 tuổi. Nếu không vào được top 100 ATP, tôi sẽ nghỉ thi đấu. Gần đến thời điểm đó, tôi mới nghĩ đến một con đường khác. Còn ở thời điểm hiện tại, tôi sẽ cháy hết mình vì tennis. 

Ở CLB Hải Đăng, tôi được tài trợ 100% về vấn đề di chuyển, ăn uống, có nơi tập luyện lại có cả tiền lương. Tôi không thiếu bất cứ thứ gì hết. Đây cũng là điều mà rất nhiều tay vợt trên thế giới mong muốn nhưng không có điều kiện. Vì vậy, không có lý do gì mà tôi lại dừng bước sớm. Tôi sẽ cố gắng thêm vài năm nữa. Nếu không đạt được mục tiêu đề ra thì mình mới tính đến các mục tiêu khác. 

Tháng 5 tới đây, Việt Nam sẽ đăng cai SEA Games 31, giải đấu mà Nam đang là đương kim vô địch. Bạn có thể chia sẻ về kế hoạch chuẩn bị cũng như mục tiêu tại giải đấu năm nay không?

Trước SEA Games, tôi sẽ thi đấu tại các giải Men Future M25, sau đó có thể là Challenger. Tôi đặt mục tiêu rất cao cho SEA Games lần này, bởi giải đấu được tổ chức trên sân nhà. Tôi muốn bảo vệ thành công tấm huy chương vàng ngay tại quê hương của mình, trước khán giả nhà - những người luôn theo dõi và ủng hộ tôi trên suốt chặng đường sự nghiệp.

- Xin cảm ơn Nam với cuộc trò chuyện cùng Thethao.vn!

 

Thảo Lê
Quang Anh

25.04.2022

Giải quần vợt VTF Masters 500-1-Sam Ngoc Linh Kon Tum K5 Cup 2022 sẽ chính thức khởi tranh vào ngày 26/4 tới đây tại Cụm sân tennis Khu liên hợp Thể thao Công An tỉnh Kon Tum.

Tennis

Môn quần vợt - tennis tại SEA Games 31 được tổ chức ở đâu? Thethao.vn cung cấp thông tin về địa điểm tổ chức môn quần vợt tại Đại hội Thể Thao ĐNA.

SEA Games

Trao đổi với Thethao.vn, Liên đoàn quần vợt Việt Nam đã cung cấp các thông tin đáng chú ý về công tác trọng tài của môn quần vợt tại SEA Games 31.

SEA Games
Đồng đội cũ nhận xét về s1mple, tiết lộ lý do tuyển thủ Ukraine không ở lại Falcons

Đồng đội cũ nhận xét về s1mple, tiết lộ lý do tuyển thủ Ukraine không ở lại Falcons

Trong phỏng vấn với esports.gg, tuyển thủ Falcons là Pavle "maden" Bošković chia sẻ lý do vì sao Oleksandr "s1mple" Kostyljev gặp khó khăn khi thi đấu cho đội tuyển này, đồng thời tiết lộ lý do Falcons không giữ tuyển thủ xuất sắc nhất mọi thời đại của CS:GO.

electroNic bất ngờ khi biết tin các đồng đội cũ ở Cloud9 rời đội

electroNic bất ngờ khi biết tin các đồng đội cũ ở Cloud9 rời đội

Chia sẻ với SPUNJ trong ngày truyền thông của ESL Pro League Season 19, Denis “electronic” Sharipov khẳng định bản thân đã sốc khi nghe tin hai đồng đội Perfecto và Hobbit rời đội.

rain lập kỷ lục mới cùng FaZe Clan trước thềm ESL Pro League Season 19

rain lập kỷ lục mới cùng FaZe Clan trước thềm ESL Pro League Season 19

Trước khi bước vào thi đấu tại ESL Pro League Season 19, rain vừa lập kỷ lục thi đấu cho 1 đội lâu nhất kể từ kỷ nguyên CS:GO với 3016 ngày liên tiếp, tính tới ngày 23/4. Trước đó, kỷ lục này được giữ bởi EliGE hồi còn thi đấu cho Team Liquid.

HLV Sritaro sẽ mất việc khi trở về Thái Lan

HLV Sritaro sẽ mất việc khi trở về Thái Lan

Trong loạt trận cuối cùng bảng C, U23 Thái Lan đã thua Tajikistan 0-1 để kết thúc chiến dịch U23 châu Á 2024 với vị trí bét bảng. Đây cũng sẽ là giải đấu cuối cùng của HLV Issara Sritaro với U23 Thái Lan.

Báo Indonesia thúc giục gia hạn với Shin Tae Yong: 'Hãy nhìn ĐT Việt Nam sau khi Park Hang Seo ra đi'

Báo Indonesia thúc giục gia hạn với Shin Tae Yong: 'Hãy nhìn ĐT Việt Nam sau khi Park Hang Seo ra đi'

Truyền thông Indonesia đang gây áp lực để Liên đoàn bóng đá nước nhà gia hạn hợp đồng với HLV Shin Tae Yong. Họ đã lấy trường hợp của Việt Nam ra làm ví dụ.

Đội hình xuất phát U23 Việt Nam vs U23 Uzbekistan: Một loạt thử nghiệm

Đội hình xuất phát U23 Việt Nam vs U23 Uzbekistan: Một loạt thử nghiệm

HLV Hoàng Anh Tuấn đã thay đổi một loạt vị trí trong đội hình xuất phát của U23 Việt Nam khi bước vào trận cuối cùng của vòng bảng U23 châu Á 2024, gặp U23 Uzbekistan tối 23/4.

Lịch thi đấu tứ kết U23 châu Á 2024: Việt Nam đấu Iraq

Lịch thi đấu tứ kết U23 châu Á 2024: Việt Nam đấu Iraq

Lịch thi đấu tứ kết U23 châu Á 2024. iThethao.vn cập nhật chính xác nhất lịch thi đấu tứ kết U23 châu Á 2024.

U23 Indonesia làm mọi cách để đòi lại Nathan Tjoe-A-On từ CLB Hà Lan

U23 Indonesia làm mọi cách để đòi lại Nathan Tjoe-A-On từ CLB Hà Lan

Ngay sau khi hoàn thành trận đấu với Jordan, Indonesia đã đón nhận một thông tin không vui. Nathan Tjoe-A-On bị CLB chủ quản Heerenveen đòi về.

5 tuyển thủ điền kinh Việt Nam chuẩn bị tranh vé dự Olympic Paris 2024

5 tuyển thủ điền kinh Việt Nam chuẩn bị tranh vé dự Olympic Paris 2024

Nhóm tuyển thủ chủ chốt nội dung tiếp sức 4x400m nữ của Việt Nam sẽ tập huấn dài ngày tại Thái Lan trước khi dự vòng loại Olympic Paris 2024.

HLV U23 Tajikistan từ chức sau trận thắng U23 Thái Lan

HLV U23 Tajikistan từ chức sau trận thắng U23 Thái Lan

Ở lượt cuối bảng C VCK U23 châu Á 2024, U23 Tajikistan đã gây bất ngờ khi giành chiến thắng 1-0 trước U23 Thái Lan. Dù vậy, HLV Mubin Erghashev vẫn tuyên bố từ chức, khi U23 Tajikistan không thể giành vé vào vòng 1/8.

AC Milan chốt sa thải HLV Stefano Pioli vào cuối mùa 2023/24

AC Milan chốt sa thải HLV Stefano Pioli vào cuối mùa 2023/24

Theo chuyên gia săn tin chuyển nhượng Fabrizio Romano, ban lãnh đạo AC Milan đã quyết định sa thải HLV Stefano Pioli, người từng giúp CLB giải cơn khát Scudetto cách đây 2 mùa.

HLV Diego Giustozzi: 'ĐT Futsal Việt Nam đừng nhìn về quá khứ'

HLV Diego Giustozzi: 'ĐT Futsal Việt Nam đừng nhìn về quá khứ'

Trong cuộc họp báo trước trận tứ kết giải Futsal châu Á 2024 với ĐT Futsal Uzbekistan, HLV Diego Giustozzi khẳng định ĐT Futsal Việt Nam đang có cơ hội tham dự VCK Futsal World Cup 2024.

Djokovic rút khỏi Madrid Open 2024, Nadal xác nhận tham dự

Djokovic rút khỏi Madrid Open 2024, Nadal xác nhận tham dự

Novak Djokovic đã quyết định rút khỏi Madrid Open 2024. Trong khi đó, Rafael Nadal sẽ góp mặt ở sự kiện này.

Việt Nam cử 16 VĐV dự giải Boxing U22 châu Á

Việt Nam cử 16 VĐV dự giải Boxing U22 châu Á

Trong ngày 23/4, các thành viên đội tuyển Boxing Việt Nam sẽ chính thức lên đường sang Kazakhstan dự giải vô địch Boxing U22 và trẻ châu Á với 3 HLV và 16 VĐV.

Mục tiêu số 1 thay Klopp của Liverpool đi chuyên cơ tới London đàm phán với… West Ham

Mục tiêu số 1 thay Klopp của Liverpool đi chuyên cơ tới London đàm phán với… West Ham

Kế hoạch tìm người thay Jurgen Klopp của Liverpool đang gặp trở ngại rất lớn khi mục tiêu hàng đầu Ruben Amorim chuyển sang đàm phán với West Ham.

U23 Việt Nam tránh được ĐKVĐ U23 Saudi Arabia nếu không thắng U23 Uzbekistan

U23 Việt Nam tránh được ĐKVĐ U23 Saudi Arabia nếu không thắng U23 Uzbekistan

U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan đang rơi vào tình thế khó xử trước cuộc đối đầu trực tiếp ở lượt cuối vòng bảng VCK U23 châu Á 2024. Theo đó, đội nào giành chiến thắng sẽ phải đối đầu ĐKVĐ U23 Saudi Arabia tại tứ kết.

Thiago Silva quyết định chia tay Chelsea vào cuối mùa

Thiago Silva quyết định chia tay Chelsea vào cuối mùa

Theo chuyên gia săn tin chuyển nhượng Fabrizio Romano, trung vệ kỳ cựu Thiago Silva sẽ rời Chelsea sau khi mùa giải năm nay khép lại.

Bayern Munich muốn bổ nhiệm cựu HLV MU, tính cả khả năng ‘quay xe’ với Tuchel

Bayern Munich muốn bổ nhiệm cựu HLV MU, tính cả khả năng ‘quay xe’ với Tuchel

Theo báo giới Đức, Bayern Munich hiện coi Ralf Rangnick là ứng viên số 1 chỗ “ghế nóng” mùa tới, thậm chí còn để ngỏ khả năng giữ lại Thomas Tuchel.

Danh sách tập trung tuyển bóng chuyền nam Việt Nam: Từ Thanh Thuận, Quốc Duy không được gọi

Danh sách tập trung tuyển bóng chuyền nam Việt Nam: Từ Thanh Thuận, Quốc Duy không được gọi

Danh sách tập trung tuyển bóng chuyền nam Việt Nam năm 2024: Từ Thanh Thuận, Quốc Duy không được gọi. Chỉ có hai đối chuyền lần này là Phạm Văn Hiệp và Phạm Quốc Dư.

Lịch trực tiếp bóng đá hôm nay 23/4: U23 Việt Nam đấu Uzbekistan

Lịch trực tiếp bóng đá hôm nay 23/4: U23 Việt Nam đấu Uzbekistan

Lịch trực tiếp bóng đá hôm nay 23/4. Cập nhật lịch tường thuật trực tiếp bóng đá hôm nay 23/4 trên K+, On Sports mới nhất trên iThethao.vn.